Rượu chua In

Áp tết, người làm báo thường có những cuộc tháp tùng các đồng chí lãnh đạo đi chúc tết.

Tôi nhớ, áp tết cách đây đã 25 năm (Kỷ Tỵ, năm 1989), tôi theo đồng chí Hồng ở Mặt trận Tổ quốc tỉnh đi chúc tết một số gia đình cách mạng khu vực các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh. Chuyến đi có nhiều kỷ niệm, nhớ nhất, có lẽ là đến nhà đồng chí Tằng Sám, người dân tộc Dao Thanh Y, ở huyện Ba Chẽ.

Khoảng 9 giờ sáng chúng tôi đến. Vào nhà đồng chí ấy phải đi qua một cái sân gần như hình tròn, được quây kín bằng nứa ken cao quá đầu người, lợn gà thả dông ở đó, chúng đi lại, cào bới bằm nát đất, trộn lẫn với phân, rác, rất lầy lội. Chúng tôi bước trên những hòn đá kê hàng dọc thành con đường xuyên qua sân để vào nhà mà giày dép vẫn lép nhép bùn.

Thiếu nữ Dao Hoành Bồ - chủ nhân của Rượu chua Hoành Bồ.
Thiếu nữ Dao Hoành Bồ - chủ nhân của Rượu chua Hoành Bồ.

Một người đàn bà chắc, lẳn, trạc ngoài 40 đang ngồi khâu vá ngước mắt nhìn chúng tôi khi đồng chí Hồng hỏi xem Tằng Sám có nhà không. Chị  đứng dậy, tay vẫn cầm miếng vá đang khâu dở, đến gần cửa, hú, nói to, chõ ra phía ngoài, một tràng tiếng dân tộc. Đó là chị vợ Tằng Sám. Có tiếng hú đáp lại. Một lát sau thì Tằng Sám về: Một người đàn ông to, khoẻ, chắc nịch, mặc quần áo lính đã bạc màu, tác phong quân đội, bước đi nhanh nhẹn. Anh vốn là trung uý công an vũ trang, về phục viên. Trông thấy chúng tôi, anh reo lên từ giữa sân: “Ôi! Bác Hồng đến thăm à! Mừng quá!”. Sau một hồi thăm hỏi, chuyện trò xã giao, “bác Hồng” lấy quà đưa tặng rồi bắt tay chào từ biệt, bảo phải đi tiếp sang huyện Tiên Yên thăm và tặng quà một đồng chí cán bộ ở bên đó. “Ầy dà! Không được bác Hồng ơi! Phải uống rượu đã!”. Tằng Sám nói gì đó bằng tiếng dân tộc với vợ. Tức thì những cái bát được bày ra trên bàn uống nước - là tấm bìa gỗ kê trên bốn cái cọc được đóng chắc xuống nền nhà. Chị ta lấy một cái bát khác, lật mớ bao tải phủ trên cái thúng có lót ni lông xanh để ở gần đó, múc ra bát đầy thứ nước vàng sậm màu hổ phách, sóng sánh. Bốn lần như thế, bốn cái bát trên bàn tràn đầy, đủ cho bốn chúng tôi (tôi, bác Hồng, Tằng Sám và chú lái xe). “Nào! Bác Hồng à! Cạn đấy!”. Tôi nhấp một tý, rồi nốc cạn một hơi, ngạc nhiên: Ngon quá! Chua chua, ngọt ngọt, thơm lừng mùi rượu nếp, nồng độ khoảng 12- 13 độ; nốc xong thấy người ấm hẳn lên, mép dấp dính. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức. “Đây là rượu à? Rượu gì thế?”. “Rượu chua đấy! Đấy là người Kinh gọi - Tằng Sám nói - còn người Dao chúng tôi gọi là tíu bâu”. Cũng trong lúc ấy, chị vợ Tằng Sám bày tiếp ra bốn bát, rồi múc ở một cái xoong to gần bằng cái xoong quân dụng vần cạnh bếp, chỉ cách bàn uống nước chừng 2 mét, các gộc củi đang đỏ rực lửa, mỗi bát một cục thịt nạc to gần bằng nắm tay, khói bốc nghi ngút, mùi thịt chín thơm lừng. “May quá bác Hồng à! Hôm qua, 26 người và 3 chó đi dồn được 2 con dạ tùng (lợn rừng). Một con nặng khoảng 85 cân, con kia nhỏ hơn, khoảng 35 cân. Nhà Tằng Sám 1 người và 2 chó, được chia 3 phần. Dạ tùng á (thịt lợn rừng) đấy! Mời bác Hồng!...”. Không có thìa đũa gì, chúng tôi bốc thịt lên tay, nóng, phải liên tục chuyển từ tay nọ sang tay kia, miệng phù phù thổi, rồi báp, vừa nhai vừa hít hà. Ngon tuyệt trần! Không ai ngớ ngẩn như tôi, lại đi hỏi nấu thịt lợn rừng như thế nào mà ngon thế. “Nấu thế nào đâu. Cắt nó ra, bỏ vào xoong, cho thêm chút muối đảo đều rồi đun, thế là được mà”.

Uống rượu bằng bát - thường thấy ở vùng đồng bào dân tộc.
Uống rượu bằng bát - thường thấy ở vùng đồng bào dân tộc.

Tôi không nhớ đã uống bao nhiêu bát tíu bâu, báp hết bao nhiêu “nắm tay” dạ tùng á. Dùng dằng mãi cũng đã hơn 10 rưỡi trưa, bác Hồng bảo: “Thôi Tằng Sám nhé. Thế là uống rượu rồi, ăn thịt lợn rừng rồi, giờ phải chào để đi đây”. Tưởng đã đi được, ai dè Tằng Sám lại cất lời: “Ầy! Chưa đi được à! Còn cái này hay lắm!”. Nhanh nhẹn, Tằng Sám đến bên gác bếp gỡ xuống một tấm, to cỡ tờ giấy A4, thoáng trông chưa rõ tấm gì, màu vàng ươm. “Dạ tùng đúc (da lợn rừng) đấy! Cái này Tằng Sám quý bác Hồng mới mời đấy!”. Anh lấy dao chặt dọc tấm da một miếng rộng cỡ hai đốt ngón tay, chặt ngắn mỗi miếng chừng mươi phân rồi xiên vào que xiên, nướng trên than hồng. Da lợn rừng gặp nóng, dần phồng rộm lên. Mỗi người một miếng như thế. Lại tiếp tục uống. Lần này thì tôi không vội uống, mà thưởng thức cái dạ tùng đúc, nó giòn sần sật, ngậy ngậy, bùi bùi...

Ăn bốc - có sự ngon riêng, thích thú.
Ăn bốc - có sự ngon riêng, thích thú.

Bữa tíu bâu - dạ tùng á ở nhà đồng chí Tằng Sám ngon và thú vị đến nỗi ai cũng cảm thấy lâng lâng, bịn rịn lúc chia tay giữa buổi trưa đất trời đang mưa xuân lất phất. Tôi nhớ bữa chiều hôm ấy ở nhà đồng chí cán bộ cách mạng bên huyện Tiên Yên, mặc dù mâm đãi khách có nhiều món ngon mà tôi chỉ ăn “làm khách”, không thể ăn thêm gì được nữa, bởi vẫn thấy phảng phất hương vị khó quên của tíu bâu, nhất là lại được thưởng thức với dạ tùng á nấu-không-chân-tẩy, trong một bối cảnh hoang sơ mà tràn đầy hơi ấm tình người...

Một cuộc tíu bâu nhớ đời khác vào chiều 27 tết, ở Tân Dân, Hoành Bồ (Quảng Ninh) khi tôi đến với anh Nguyễn Vĩnh Ngọc, lúc ấy là Giám đốc Xí nghiệp Than Hoành Bồ. Tíu bâu và thịt gà luộc - hiện người ta gọi là “gà sạch” - thứ gà mà nay khó kiếm tìm ở các chợ thành phố: chúng được nuôi thả rông ở vườn rừng, tự kiếm ăn, tự lớn lên, ngủ trên những chạc cây, không chuồng trại. Nhưng... kể tiếp cà kê sợ tan mất hương vị bữa rượu. Tíu bâu ở đây cũng ngon như ở chỗ nhà Tằng Sám, chúng được chuyển đến trong những cái can vàng, loại 5 lít, 3 hay 4 can cả thảy. Vẫn cung cách ấy: uống bằng bát, bốc, xé thịt gà bằng tay; uống trong một ngôi nhà hoang sơ, bên cạnh một lò vôi đang đỏ rực lửa, cùng với ba anh công nhân - thợ đốt vôi, vừa uống vừa chuyện trò trên giời dưới bể, tha hồ. 5 người, hình như uống hết sạch số can rượu được chuyển đến. Có lẽ phải khoảng gần 12 giờ đêm chúng tôi mới về tới nhà ở thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ), ngất ngư trên ca bin một chiếc xe ka mát chở than ra cảng. Khoảng 5 rưỡi sáng hôm sau, thức giấc vẫn còn la đà bởi tiếng lợn kêu: Nhà anh Ngọc thịt lợn; vừa là để ăn tết, cũng là có ít thịt chia cho cánh nhân viên văn phòng của Xí nghiệp ăn tết thời “gạo châu, củi quế” (cách đây cũng đã... 24 năm). Tôi ăn tết với gia đình anh Ngọc, với một số cán bộ công nhân thuộc quyền anh; buổi chiều về đến nhà mang theo tay nải, trong đó có “thịt ăn tết của CBCNV Xí nghiệp Than Hoành Bồ” chia phần cho.

Rượu cần - cũng là một thứ rượu chua.
Rượu cần - cũng là một thứ rượu chua.

Tíu bâu là một thứ rượu tuyệt vời của bà con người Dao. Tác giả Việt Hoa trong một bài viết đăng trên báo Quảng Ninh (bài “Rượu chua Bằng Cả”, tôi không nhớ rõ số báo ra, nhưng khoảng đầu năm 2003) kể về cách làm thứ rượu này, tôi nhớ đại ý: "Nếp nương giã cối đá, lấy gạo thổi thành xôi, tãi ra nong cho nguội, rắc men đảo đều; xôi lên mốc, được mốc cho vào thúng bịt kín ủ 5 đến 7 ngày vào mùa rét, nùa nóng ủ ít ngày hơn; rồi lấy nước sôi để nguội cho vào, ủ tiếp chừng 4 ngày nữa thì rượu chín, lấy dùng được. Cái khó khi làm thứ rượu này phụ thuộc vào chất lượng của men, vào cách pha chế nước, làm không có kinh nghiệm có thể bị hỏng". Việt Hoa cũng diễn đạt sự ngon của rượu khi được thưởng thức, đại ý, thứ rượu này con gái uống vào thì đỏ môi, hồng má, thơm miệng, hơi thở nồng nàn, con trai uống vào thì thấy ấm lòng, mạnh mẽ, đủ dũng khí để nói với con gái những điều khó nói, còn những già làng, trưởng bản, những bậc cha chú trong gia đình uống thì tăng thêm sự uy nghiêm, con cháu thêm lòng kính trọng... Đó là đặc sản từ ngàn đời nay của người dân tộc Dao Thanh Y mà đến nay người Dao ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ) vẫn còn gìn giữ được.

Trần Giang Nam

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh - Sưu tầm bởi VietWeb.Vn

thiet ke web quang ninh

Tin liên quan:
Tin mới hơn: