Thịt lợn rừng In

Năm ấy mùa đông rét cắt da.

Gần tết, tôi theo bác Phạm Tiến Hồng, lúc ấy làm ở Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, đi trao quà cho các cán bộ lão thành cách mạng. Đường vào thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) hồi ấy rất khó đi. Đi từ rất sớm mà mãi đến gần 9 giờ chúng tôi mới tới được nhà anh Tằng Sám, một sỹ quan biên phòng mới phục viên. Nhà anh ở thôn gì nay không nhớ rõ, chỉ biết đó là một làng của người Hoa đã bỏ đi, nay nhóm người Dao Sán Chỉ của anh đến tiếp quản, cách không xa thị trấn Ba Chẽ là mấy.

Lợn rừng sống lâu năm.
Lợn rừng sống lâu năm.

Nhà Tằng Sám ở gần đầu làng. Xung quanh quây hàng rào làm bằng nứa tép, cao quá đầu người. Chỉ có một cái cửa ở hàng rào ấy, chĩa thẳng vào nhà, muốn vào nhà, phải bước qua cái cửa nọ, qua hàng nứa tép ken kín phía dưới thành ngưỡng, cao quá đầu gối (để ngăn không cho lợn trong sân nhà đi ra ngoài). Sân trước nhà hình bán nguyệt, rộng và rất lầy lội. Phải bước theo một hàng đá kê ngoắt ngoéo thành đường vào nhà. Mấy con lợn ngập ngụa trong bùn ở cái sân ấy. Hình như nó không thấy rét.

Chúng tôi vào nhà, bắt gặp một người đàn bà béo tốt, đang ngồi bên bếp lửa. Đó là vợ Tằng Sám. Chị đang khâu vá cái gì đó trong ánh sáng nhờ nhờ đầy khói.

Chị ngẩng lên, thấy người lạ không chào. Bác Hồng hỏi Tằng Sám đâu. Chị đứng dậy, chẳng trả lời, ra cửa hú một hồi dài rồi nói to cái gì đó vào không trung bằng tiếng dân tộc. Một lát sau Tằng Sám về.

Thịt lợn rừng luộc.
Thịt lợn rừng luộc.

Ngược lại với chị vợ, Tằng Sám có vẻ xởi lởi, nói to, chào hỏi chúng tôi. Bác Hồng chúc tết, lấy quà tặng và bảo phải đi ngay, vì còn nhiều nơi phải trao quà, ở Ba Chẽ, ở Tiên Yên, ở Bình Liêu...

Tằng Sám kêu lên:

- Không được đâu bác Hồng à! Phải uống rượu đã!

Rồi anh nói gì đó bằng tiếng dân tộc với vợ.

Chị bỏ khâu, đứng dậy, với vào cái chạn ở gần đó lấy ra bốn cái bát con, đặt lên bàn uống nước (là một tấm bìa gỗ, đục lỗ, tra vào đó bốn đoạn tre đóng chắc xuống đất, làm chân), trước mặt bốn chúng tôi (tôi, bác Hồng, chú lái xe và chủ nhà Tằng Sám). Rồi lại lấy ra một lượt bốn cái bát nữa đặt tiếp cạnh bốn cái bát trước. Sau đó chị cầm một cái bát khác, đi vào góc nhà, nơi có cái thúng được bịt kín bằng bao tải. Chị vén bao tải lên, lấy bát múc thứ nước sánh vàng như mật ong đổ đầy vào nhóm bốn cái bát ban đầu. Cả thảy đi lại mất bốn lượt. Đó là rượu chua. Mùi rượu tỏa thơm lừng. Rồi vẫn bằng cái bát múc rượu nọ, chị múc những "cục" thịt to bằng nắm tay, từ cái nồi nhôm quân dụng đang vần cạnh bếp vào bốn cái bát còn lại.

Chia phần thịt lợn rừng, để cả lông.
Chia phần thịt lợn rừng, để cả lông.

- Hôm qua đi săn lợn (rừng). Bắn được hai con. Một con khoảng tám mươi cân. Một con khoảng bốn lăm cân. Nhà Tằng Sám một người, hai chó, được chia ba phần. May quá, bác Hồng đến được uống rượu với da tùng á (thịt lợn rừng, tiếng dân tộc) - Tằng Sám cười ha hả: - Nào mời bác! Mời anh em!

Tằng Sám ực một hơi hết bát rượu chua. Rồi bốc cục thịt lên, chuyền từ tay này qua tay kia cho đỡ nóng, vừa thổi vừa ngoạm.

Tôi cũng làm theo...

Trời ơi! Rượu chua! Thứ rượu vàng sánh như mật ong mà tôi nghe nói, nay mới được nốc, là đây ư!? Nó ngọt, hơi chua. Rét là thế mà nó làm cho bụng nóng ấm ngay! Ngon kỳ lạ! Vừa thổi, tôi vừa báp cục thịt lợn rừng mềm, thơm, nóng sực.

Chưa kịp hiểu gì thì bát rượu của tôi và của mọi người đã được chị vợ múc đầy thêm một lượt.

Vẫn cung cách ấy, Tằng Sám lại nâng bát, mời bác Hồng cạn...

Phân biệt thịt lợn rừng với các loại thịt lợn khác: chân lông lợn rừng thường có 3 cái lông chụm một.
Phân biệt thịt lợn rừng với các loại thịt lợn khác: chân lông lợn rừng thường có 3 cái lông chụm một.

Hình như tới lần thứ tư hay thứ năm gì đó, bát rượu cứ hết lại được rót đầy, vài lượt các cục da tùng á được múc lên, thì bác Hồng bảo:

- Uống thế, ăn thế là được rồi. Ăn tết sớm với vợ chồng Tằng Sám thế thôi. Bây giờ phải đi đây. Nhớ bảo bà con chịu khó làm ăn nhé. Không đưa bà con vào Tây Nguyên nhé. Đưa bà con đi là sai đường lối chính sách của Đảng đấy. (Ngày đó đang có hiện tượng di dân tự do, vào Tây Nguyên, vào miền Nam).

- Ôi bác Hồng ơi! Được mà! Không đưa bà con đi Tây Nguyên đâu! Bác Hồng nhớ thỉnh thoảng đến chơi với Tằng Sám nhé! Bác đến chơi nhiều là không đi đâu! Còn bây giờ phải uống nữa đã, chưa đi được à! Có món này ngon lắm! Phải uống tiếp!

Nói rồi Tằng Sám gỡ tấm da lợn rừng đang treo trên gác bếp xuống cái bàn đang uống rượu, nhanh nhẹn anh với con dao phía sau, chặt bốn miếng,  chính xác, mỗi miếng to bằng hai đốt ngón tay, dài chừng nửa gang, sau đó lấy bốn cái xiên, xiên một lượt và đưa lên đám than hồng rực, nướng. Rất nhanh, món da lợn rừng vàng rộm phồng rộp lên, tỏa mùi thơm thơm.

- Món này là ngon nhất đấy! Khách quý mới được mời đấy! Nào uống cạn một lượt nữa, bác Hồng à!

Tôi khẽ cắn món da thịt lợn rừng và ngạc nhiên, thấy nó giòn, thơm, nhai một lúc lại thấy dẻo, ngon lạ ngon lùng và không quên nốc cạn tiếp bát rượu.

Bây giờ có thể nuôi được lợn rừng.
Bây giờ có thể nuôi được lợn rừng.

Dùng dằng mãi, Tằng Sám cũng tiễn chúng tôi ra được đến xe.

Sau khi đỡ bác Hồng lên ngồi yên vị trên xe, Tằng Sám nói:

- Nhớ bác Hồng lắm đấy! Nhớ lên chơi Tằng Sám luôn nhé! Không đưa bà con đi Tây Nguyên đâu...

Chưa dứt câu, anh quay lại nói khẽ với tôi: Nhất định là đi Tây Nguyên rồi chú Nam ạ. Sắp đi đấy.

- Sao anh lại nói với bác Hồng...

Tằng Sám nhoẻn cười.

...Và tôi nghe nói, sau này Tằng Sám đã đưa dân bản đi vào Tây Nguyên thật. Không biết thông tin đó có chính xác không. Và nếu chính xác, không biết ở trong đó anh đã đi săn được con tùng á nào chưa...

Trần Giang Nam

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh - Sưu tầm bởi VietWeb.Vn

thiet ke web quang ninh

Tin liên quan:
Tin mới hơn: