Cua bể In

Cua bể rất đắt, nhất là cua có gạch. Bây giờ người ta đã nuôi được cua bể, có vẻ có nhiều lên, nhưng không vì thế mà nó rẻ đi.

Bây giờ nhà tôi vẫn không dám ăn cua bể. Nếu có thèm lắm, thì ra chợ mua liều một con, về làm chín, rồi gỡ lấy thịt, để nấu miến hay nấu cháo, hoặc trộn với các thứ khác để làm nhân chả nem; tức cua bể chỉ là thứ chân tẩy cho một món nào đó, chứ tuyệt không dám dùng cua bể hấp hay luộc, ăn vã.

Bây giờ còn thế, huống những năm đói kém, những năm bao cấp "Bắt phong trần phải phong trần. Cho may ô mới được phần may ô" thì sao dám nghĩ tới cua bể chứ!?

Cua luộc. Có câu thành ngữ:
Cua luộc. Có câu thành ngữ: "Chưa nóng nước đã đỏ gọng".

Giữa lúc như thế, tôi được theo đồng chí Cừ (hay Cần?), lúc ấy hình như làm ở ban nông nghiệp của ủy ban tỉnh hay tỉnh ủy gì đó (đồng chí này trước khi về ban nông nghiệp đã làm Bí thư huyện Đông Triều (Quảng Ninh) thì phải. Lâu quá không nhớ được chính xác, nên đành phải "hình như" vậy), cùng đồng chí đi thăm HTX đánh cá Tiến Thành. HTX này đã được phong anh hùng, vì có thành tích đánh bắt được nhiều cá, nhất là cá gúng (hay húng, giống như con cá ba gai, nhưng rất to, 5, 7, thậm chí tới 10, 15 cân một con), về mùa cá này đẻ trứng (trứng của nó to như hòn bi ve).

HTX đánh cá Tiến Thành lúc chúng tôi đến nó đã lụn bại, bởi đất nước bắt đầu đổi mới, người ta bắt đầu bỏ HTX để đi đánh cá riêng. Nhưng người chủ nhiệm tên Mão, người to lớn, đồ sộ, một lão ngư thực thụ, thì vẫn còn đó.

Ông tiếp chúng tôi tại trụ sở HTX, đơn sơ, có cảm giác đã hơi hoang tàn. Tôi không nhớ đã nghe ông ấy nói với ông Cừ những gì, bên cái bàn uống nước dài và to đoành cùng những cái ghế tựa, vừa mới được lau bụi; nhưng lại nhớ quãng hơn 11 giờ trưa, vẫn tại cái bàn đó, ông Mão gạt đĩa ấm chén sang bên để một chị nạ dòng cỡ ngót 40 tuổi đặt xuống đó một mâm, có cua bể luộc, cá song nấu chua, một đĩa cá tráp rán và một xoong cơm to.

Bây giờ người ta nuôi được cua bể, cua có nhiều hơn, nhưng giá không hề rẻ.
Bây giờ người ta nuôi được cua bể, cua có nhiều hơn, nhưng giá không hề rẻ.

4 người (tôi, ông Mão, ông Cừ và anh lái xe), mỗi người được cô ấy bê mời một nửa con cua bể luộc (cua cái). Nó to khủng khiếp. Cho đến bây giờ tôi không trông thấy ở đâu có cua bể to như thế. Phải tới 1 cân một con, có khi hơn. Càng của nó to như cổ tay một em bé bụ bẫm. Lại nhiều gạch nữa chứ! Gạch đỏ sậm đầy khoang bụng nửa con cua bể đó, tôi gỡ ra, phải được bằng 1/4 cái bánh chưng nhỏ. Ông Mão: Cua bể tôi cũng hay được ăn, nên hôm nay không ăn nữa, để mời các vị. Ông Cừ cũng không ăn hết. Thế là tôi với anh lái xe hồ hởi ngồi đánh chén. Thú thực, đây là lần đầu tiên tôi được ăn của bể hấp hay luộc, lại là cua gạch, một cách háo hức, nên lấy làm sung sướng lắm! Tôi nhớ cái càng cua to quá, không làm thế nào làm vỡ vỏ nó được, ông Mão liền đưa cho cái thước gỗ lim, to bản, dài chừng nửa mét, nặng trịch, có trên bàn làm việc của ông để chúng tôi đập vỡ càng.

Song hỡi ôi! Tôi ăn hết già nửa con cua bể đầy gạch đó, thì bỗng thấy trở nên no nê, phát ngán. Nhìn bát canh cá song nấu chua to đùng, khúc cá song cũng to đùng, gần như choán hết lòng bát, mắt thì thèm mà không ăn được nữa. Thấy ngán quá mất rồi! Cuối cùng đành lấy sêu cơm, chan nước canh cá, ăn để chống bị háo cơm.

Thế rồi bẵng đi, 5, 7 năm sau gì đó, tôi theo anh Hải Chinh, lúc ấy là Phó tổng biên tập báo Quảng Ninh và anh Phan Dũng, Phó giám đốc đài PTTH Quảng Ninh ra đầm Phong Cốc (huyện Yên Hưng, nay là thị xã Quảng Yên), lúc chập tối, sau khi đã ăn cỗ nhân kỷ niệm bao nhiêu năm gì đó lễ hội chiến thắng Bạch Đằng thì phải, với lãnh đạo HTX ở xã Phong Cốc.

Ra đó, khoảng gần 10 giờ đêm, nhà đầm mời chúng tôi nửa chậu... tôm luộc. Những con tôm to gần bằng ngón tay cái. Cứ thế mà bóc, mà chấm nước mắm nguyên chất có rắc hạt tiêu, ăn được bao nhiêu thì ăn, tùy thích. Tôi nhớ tôi ăn chả bao nhiêu, vì bữa cỗ ban chiều, có cả bánh dầy (thứ bánh giã lấy, còn thấy ở bữa cỗ thịnh soạn vùng các xã đảo Hà Nam, Yên Hưng) vẫn còn phảng phất, vả lại, ăn tôm luộc cũng chóng ngán. Người ăn được nhiều nhất có lẽ là Hải Chinh. Anh khoe ăn được 29 con.

Bún nem cua bể - món ăn nổi tiếng ở Hải Phòng.
Bún nem cua bể - món ăn nổi tiếng ở Hải Phòng.

Sáng hôm sau, lúc 8, 9 giờ, chúng tôi được nhà đầm mời ăn cua bể luộc. Đây là lần thứ hai trong đời, tôi được thỏa thích ăn cua bể. Những con cua đầm Phong Cốc mới ngon làm sao! Cũng có những con có gạch, nhưng gạch chưa nhiều lắm. Ăn đến một lúc thì thấy cảm giác ngán.

Mà ngán thật. Ngán đến bữa lúc khoảng 3 giờ chiều, bữa uống rượu chia tay với nhà đầm, họ hỏi có thích ăn cua, ăn tôm nữa không, thì ai nấy đều bảo không ăn nữa, ngán rồi. Họ nấu canh chua cá tráp. Đổ ra cả gần đầy một cái chậu, dễ đến 7, 8 cân cá.

Nhưng tôi bất ngờ, là trong mâm, bên cạnh chậu cá tráp, có mấy đĩa giò. "Các cô gái Thủy Nguyên (Hải Phòng) ra mua tôm. Chúng tôi nhờ mua: Nước mắm, thuốc lào, thuốc lá, chè Thái, hạt tiêu, muối, đường, thịt, tất tật, cả giò nữa, họ đều mua hộ" - Chủ đầm nói. "Cả cái kia nữa, nếu thích, các cô ấy cũng chiều, trả bằng tôm!" - Ai đó nói rồi cười khúc khích. Và bạn có biết không? Như Ác si mét phát hiện ra cái gì đó cứ gào lên Ơ rê ca! Ơ rê ca! (Tìm ra rồi! Tìm ra rồi!), tôi cũng Ơ rê ca như thế khi phát hiện ra mình chưa bao giờ thấy miếng giò ăn nó ngon như thế, trong khi cá nấu chua lại dửng dưng, và nhất là nhìn thấy cua luộc, tôm luộc thì sợ.

Hôm nọ, bạn ở quê ra chơi, mới bảo vợ thôi không làm cơm ở nhà nữa, đi nhà hàng. Vợ bảo đi Hương Duyên ăn lẩu hải sản là hợp hơn cả (hợp vì ăn hải sản, khi bạn ở rừng xuống; cũng có thể hợp cả túi tiền đãi bạn, khi muốn cho sang trọng một tý).

Bạn biết đấy, món lẩu hải sản ở đây có một con cua bể được chặt làm tư. Cua không to lắm, nhưng có gạch. Nếu 4 người chỉ ăn mỗi người 1/4 con cua này, sau đó ăn các món khác, là tôm, là mực, là cá song v.v. nhúng lẩu, thì chúng ta lại trở lại ý nghĩ, cua bể là rất ngon, nhưng... nồi lẩu hải sản nhà hàng Hương Duyên đó, có 1 con cua bể nhỏ chặt làm tư, nó chẳng rẻ gì.

Trần Giang Nam

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh - Sưu tầm bởi VietWeb.Vn

thiet ke web quang ninh

Tin liên quan:
Tin mới hơn: